Cọc bê tông thi công cầu Rọc Sen đã đóng xuống sâu, ma sát giữa đất với thành cọc lớn nên rất khó nhổ cọc lên trong thời gian ngắn để giải cứu bé trai rơi xuống trụ bê tông.
Liên quan đến vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông thi công cầu Rọc Sen, Tuổi Trẻ Online đã tham vấn các chuyên gia, chuyên viên và các kỹ sư thi công của Công ty cổ phần FECON - chuyên về lĩnh vực thi công nền móng và công trình ngầm tại Việt Nam.
Vội vàng dùng cẩu lớn để nhổ cọc dễ khiến việc giải cứu khó khăn gấp bội
Theo các chuyên gia, báo cáo của UBND tỉnh Đồng Tháp cho thấy cọc bê tông thi công cầu Rọc Sen là loại cọc ống đường kính ngoài 500mm và đường kính trong lòng cọc 250mm.
Do vậy khi cọc đã đóng xuống sâu thì ma sát giữa đất với thành cọc rất lớn và việc phải nhổ cọc lên là việc khá hãn hữu trong thi công xây dựng. Bởi vì, thông thường các cọc khi có vấn đề chất lượng thì các móng sẽ được gia cố thêm cọc chứ ít khi phải nhổ cọc. Giải pháp nhổ cọc thường được áp dụng trong các dự án xây dựng công trình mới trong phạm vi công trình cũ đã sử dụng móng cọc.
Trong công tác nhổ cọc, việc đầu tiên phải làm là khử ma sát thành cọc với đất. Việc nhổ cọc thường được chuẩn bị chu đáo với nhiều thiết bị chuyên dụng, các chuyên gia lành nghề và có đủ thời gian thi công.
Từ đó có thể nhận định việc nhổ cọc thi công cầu Rọc Sen lên trong thời gian rất ngắn trong tình huống giải cứu bé trai bị rơi xuống trụ bê tông là khó khả thi.
Trong công tác nhổ cọc, việc đầu tiên phải làm là khử ma sát thành cọc với đất. Việc khử ma sát này có nhiều cách:
Với các cọc có độ ngắn vừa phải thì có thể sử dụng các máy khoan guồng xoắn (ruột gà) khoan xung quanh cọc khiến đất bị phá vỡ kết cấu trở nên mềm yếu. Sau đó dùng cẩu hoặc các thiết bị nâng chuyên dụng kéo cọc lên. Hoặc sử dụng các máy khoan chuyên dụng full casing (phương pháp sử dụng động năng của chất lỏng để cắt và làm mềm đất) khoan qua đáy cọc, dùng hệ thống cáp buộc chặt đáy cọc hoặc có các khóa đáy cọc rồi cả hệ thống lẫn cọc được xoay và nâng lên.
Với các cọc có chiều sâu lớn, cần áp dụng nhiều giải pháp khác nhau như: sử dụng các thiết bị khoan chuyên dụng xoay ống thép (casing) bao bên ngoài cọc cần nhổ để phá vỡ toàn bộ đất đá giữa cọc và ống này; sử dụng giải pháp xói nước (jet grouting áp lực cao: khí kết hợp nước để phá vỡ đất đá xung quanh cọc…); dùng các máy khoan khảo sát địa chất với mũi khoan mở rộng khoan xung quanh cọc cần nhổ… Sau khi đất đá đã bị phá vỡ và đảm bảo rằng các lực ma sát còn lại không thể ảnh hưởng đến quá trình nhổ cọc thì cọc sẽ được cẩu lên.
Với địa chất Đồng bằng sông Cửu Long, phía trên gần mặt đất thường là bùn yếu nên ma sát thành cọc với lớp bùn phía trên không quá lớn. Tuy nhiên, phần mũi cọc thường được hạ vào các lớp đất sét dẻo cứng đến nửa cứng có bề dày lớn. Đây là chỗ khó xử lý nhất do chiều sâu lớn nên không phải máy thi công nào cũng đáp ứng được tiêu chí năng lực.
Nếu không khử được ma sát trong phần đất cứng ở mũi cọc mà vội vàng nhổ cọc lên thì cọc hoàn toàn có thể bị đứt (thân cọc hoặc mối nối, chỗ quấn cáp…). Về cơ bản ta cứ tưởng tượng cọc sau khi thi công, cọc yếu chỗ nào sẽ đứt chỗ ấy. Do vậy, nếu vội vàng dùng cẩu lớn nhổ cọc dễ làm đứt, vỡ cọc, khi đó công tác giải cứu còn khó khăn hơn gấp bội.
Lực lượng cứu hộ ở Đồng Tháp đang dùng giải pháp tốt nhất trong điều kiện thực tế
Qua các hình ảnh và thông tin hiện trường có thể thấy các chuyên gia, lực lượng cứu hộ tại hiện trường đang sử dụng biện pháp hỗn hợp để cứu nạn cháu bé. Cụ thể:
Dùng ống vách thép bao phần cọc trong đất yếu để tránh cho bùn chảy vào phần không gian thi công phía trên cũng như ổn định cho khu vực thi công không bị sụt lún còn có thể gây thêm tai nạn khi các máy thi công tập trung nhiều.
Khi gặp lớp đất cứng ở độ sâu lớn, các máy thi công phá đất bình thường không làm được thì sử dụng công nghệ Jet Grouting - phương pháp sử dụng động năng của chất lỏng do bơm áp lực cao và khí nén áp lực cao để cắt và làm mềm, phá vỡ đất xung quanh cọc. Nhưng do đất cứng bó chặt và ở độ sâu lớn nên tốc độ thi công cũng sẽ không thể nhanh được.
Có thể thấy, giải pháp các lực lượng cứu hộ ở Đồng Tháp đang làm là giải pháp tốt nhất với điều kiện thực tế ở Đồng Tháp cũng như sự huy động của các tỉnh lân cận.
Cũng cần hiểu rằng đây là các máy chuyên dụng nên việc huy động máy đến hiện trường phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: đường đưa máy vào hiện trường, mặt bằng hiện trường; nguồn điện; nhân sự điều khiển và quá trình lắp dựng máy: thông thường các máy chuyên dụng muốn lắp dựng và thi công được cũng mất từ 1-2 ngày cho máy nhỏ và 3-4 ngày cho các máy lớn.
Qua sự việc này, chúng ta cần nhìn lại công tác đảm bảo an toàn và vệ sinh môi trường trong thi công các công trình xây dựng. Ở trong dự án cầu Rọc Sen có thể chưa làm tốt dẫn đến để các cháu có thể tự do đi vào công trường. Với các vị trí đào sâu hoặc hố sâu cần có căng dây cảnh báo hoặc có barie cứng quây xung quanh thì trong các hình ảnh và video về vụ việc chúng ta đều không thấy.
Nguồn: tuoitre.vn
Tin liên quan
- Làm đường kém chất lượng, bị dân bắt móc lên làm lại (04.12.2023)
- Cọc cừ vuông ứng suất trước (29.07.2019)
- Cừ ván bê tông cốt thép dự ứng lực (29.07.2019)
- Cọc bê tông ly tâm dự ứng lực (29.07.2019)